» Du học: Áp lực không chừa sinh viên giỏi

Cách đây gần 2 năm, truyền thông Úc đưa tin về một nam sinh Trung Quốc gieo mình từ căn hộ tầng 21 xuống đất – vụ tự tử chỉ sau 3 tháng cậu sang du học ở đất nước này.

Điều bất ngờ là trước khi trở thành sinh viên ĐH Melbourne, nam sinh 24 tuổi vốn là một sinh viên xuất sắc với khả năng tiếng Anh tốt. Thế nhưng, trong lớp học cậu vẫn không thể hiểu hết những gì thầy cô, bạn bè trao đổi.

Câu nói cuối cùng trước khi cậu kết liễu cuộc đời mình là “Tại sao cuộc sống lại khó khăn đến thế!”.

Mới đây, cộng đồng du học cũng chuyền tay nhau những dòng chia sẻ của một nữ sinh đang du học Mỹ bị trầm cảm và bị trường đuổi về nước. Phạm vi bài viết này không bàn về việc đúng sai trong hành xử của nhà trường, mà chỉ muốn đưa ra ví dụ về một thực tế: Áp lực của du học sinh là câu chuyện phổ biến.

IELTS cao, nghe vẫn không hiểu

Chị Phương Thủy – du học sinh đang theo học ngành Truyền thông ở Mỹ – chia sẻ, chị cũng có một người bạn từng trải qua trầm cảm nặng nề, và có ý định tự tử. “Nguyên nhân bệnh của bạn bao gồm cả việc cô đơn ở môi trường văn hóa khác, và cả việc thất vọng với chương trình học không như bạn hình dung”.

Du học: Áp lực không chừa sinh viên giỏi

Một hội thảo tư vấn du học. Ảnh minh họa

Chị Thủy cũng từng nghe nhiều về chuyện du học sinh phải đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Hầu hết là đi làm chui, có người bị phát hiện, bị cắt visa và buộc phải về nước, khiến việc học tập bị lỡ dở.

“Ngay cả chính mình, khi đi học cũng đã khá lớn tuổi, có học bổng toàn phần, lại kết hôn với một người Mỹ, thế mà có những lúc mình cũng cảm thấy việc hòa nhập với cuộc sống ở đây không dễ dàng. Mình có vốn tiếng Anh tốt, nhưng ở mặt trình bày nghiên cứu vẫn không thể tránh được cảm giác thua kém khi so với những người bạn Mỹ trong lớp. Kể ra vậy để thấy du học sinh có rất nhiều áp lực, từ mặt tài chính, tình cảm, văn hóa đến học tập” – chị Thuỷ cho biết.

Có 14 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực du học, chị Đỗ Hương cũng đồng ý rằng, kể cả những du học sinh đã chuẩn bị tốt về tinh thần, kiến thức, tiếng Anh cũng có thể gặp áp lực.

“Mặc dù ở Việt Nam, các bạn có điểm IELTS, TOEFL rất cao nhưng trên thực tế khi nghe người bản xứ nói không phải lúc nào bạn cũng hiểu được hết. Thứ 2 là những khác biệt về văn hoá. Thứ 3 là các bạn thấy ‘stress’ khi phải xa gia đình, không có người hỗ trợ những lúc khó khăn, không biết chia sẻ cùng ai”.

Chị Hương nói, khác với nhiều người vẫn nghĩ du học chỉ có màu hồng, được sống trong phồn hoa, tráng lệ, nhưng thực tế du học là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chỉ nói đơn giản chuyện mua sắm: ở Việt Nam, bước ra cửa là có ngay, sang nước ngoài đôi khi muốn mua cái gì phải đi rất xa…

Chị Phương Thuỷ cho rằng, thực tế này không phải do học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng hay kiến thức, mà đó là vấn đề chung của nhiều du học sinh tại đây, đặc biệt là những du học sinh đến từ các nền văn hóa khác biệt với văn hóa Mỹ.

“Cái trở ngại ban đầu, nếu không quyết để vượt qua sẽ dễ trở thành một vấn đề kéo dài, khiến cho nhiều sinh viên thấy mình bị cô lập và bất mãn. Sự khác biệt trong hệ thống giáo dục cũng có thể là trở ngại lớn, đặc biệt là với những bạn học phổ thông ở trường công tại Việt Nam. Các bạn sẽ cần một giai đoạn để điều chỉnh cách học tập của mình và chủ động hơn trong giao tiếp tại lớp học”.

“Và đó là chưa kể những vấn đề khác vẫn tồn tại ở nước Mỹ như phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Thường thì nhà trường sẽ tìm cách ngăn chặn việc này, nhưng ai đã từng trải qua cảm giác bị phân biệt sẽ ít nhiều cảm thấy tổn thương”.

Du học: Áp lực không chừa sinh viên giỏi
Một hội thảo tư vấn du học. Ảnh minh hoạ

Phụ huynh hãy xem con có đủ bản lĩnh hay không

Theo chị Phương Thủy, với các phụ huynh, “đừng so sánh con mình với con người ta, và cũng đừng so sánh con mình với sinh viên Mỹ. Họ lớn lên trong môi trường quen thuộc, được pháp luật bảo hộ, họ có thể làm nhiều thứ mà du học sinh không được làm”. “Đã xác định cho con du học thì cần dạy con quản lý thời gian, tài chính và các kĩ năng ứng xử xã hội từ khi còn bé, cho con tự chủ và độc lập càng sớm càng tốt. Khi con đã đi học, thì cũng nên thấu hiểu những gì con sẽ phải đối mặt, nên biết rằng đến cả người lớn qua định cư còn có lúc muốn từ bỏ và quay về”.

“Đừng nghĩ rằng vì bố mẹ đầu tư tiền bạc cho con, con sẽ phải bằng mọi cách đứng đầu khoa. Nếu con than phiền về cuộc sống, hãy lắng nghe và động viên và cho con quyền tự quyết chứ đừng vội phán xét hay trách mắng con. Gia đình nên làm điểm tựa cuối cùng của con cái, chứ không nên chỉ là nguồn áp lực khiến con càng thấy lạc lối”.

Còn theo chị Đỗ Hương, những phụ huynh muốn cho con đi du học, ngoài các yếu tố khả năng học tập của con và tài chính gia đình, cũng cần phải xem xét mong muốn đi du học của con ở mức độ nào, tính cách, kỹ năng của con có đủ để sống tự lập được hay không.

“Có những trường hợp bố mẹ muốn ‘đẩy’ con đi. Bố mẹ thấy ở Việt Nam học chán quá, kém quá, cho đi vì nghĩ là môi trường bên đó tốt. Nhiều trường hợp con không muốn đi nhưng bố mẹ cứ muốn cho đi, có thể vì uy tín gia đình, vì muốn đi du học cho oai… nhưng nếu chính các bạn chưa sẵn sàng thì việc đi du học không có ý nghĩa và không có hiệu quả”.

Việc có nên cho con đi du học hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh của con, con có phải là người mạnh dạn, dám xông pha, tự lập được hay không – chị Hương nói.

“Học sinh và phụ huynh phải cùng nhau chuẩn bị những kỹ năng đó, vì đi du học giống như con dao 2 lưỡi”.

Sinh viên hãy chuẩn bị mọi kỹ năng

Với các bạn sinh viên, chị Thuỷ khuyên: cần phải chuẩn bị mọi kỹ năng sống, từ cách quản lý tiền bạc, thời gian, chăm sóc đề phòng bất trắc cho bản thân, hiểu biết về pháp luật, cởi mở trong học hỏi, tìm hiểu văn hóa nước mà mình sắp đến học. Nhưng kỹ năng này học càng sớm càng tốt, đừng để tới khi đi học mới lo”.

Trong khi đó, chị Đỗ Hương chia sẻ: “Ngoại ngữ rất quan trọng, nếu ngôn ngữ của bạn không tốt thì bạn sẽ ngại giao tiếp. Ngoài ra, hãy tìm một vài người bạn để chia sẻ. Dĩ nhiên để tìm được một người bạn thân ở một đất nước xa lạ là điều không dễ nhưng ít nhất phải tìm được nguồn vui, có người chia sẻ” – chị Đỗ Hương đưa lời khuyên.

Nguyễn Thảo/Vietnamnet.vn