» Du học sinh trộm cắp và câu chuyện đánh mất tương lai
Du học là con đường phát triển của nhiều bạn trẻ, song không ít người bị phạt tiền, trục xuất về nước, thậm chí đánh mất tương lai chỉ vì hành động sai trái nơi đất khách.
Ngày 14/6, một du học sinh Việt đang học tại Nhật bị phạt 1.800 SGD (gần 30 triệu đồng) vì lấy trộm nhiều hàng hiệu khi quá cảnh ở sân bay Changi của Singapore.
Đây không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó, ngày 5/4, cảnh sát tỉnh Osaka, Nhật Bản bắt giữ nhóm 7 du học sinh người Việt với cáo buộc trộm cắp hàng hóa số lượng lớn, chuyển về nước tiêu thụ.
Những hành động xấu này của một số du học sinh không chỉ khiến họ “đứt gánh giữa đường”, đánh mất tương lai, mà còn để lại ấn tượng xấu trong mắt người dân địa phương và bạn bè quốc tế.
Buồn và xấu hổ
Mainichi dẫn tin từ các nhà điều tra cho hay nhóm 7 nghi phạm người Việt bị bắt ở Nhật do nam sinh 23 tuổi cầm đầu. Sáu người còn lại được chia thành hai nhóm, hoạt động ở Tokyo và Osaka.
Nhóm này nhận sự chỉ đạo từ một phụ nữ ở Việt Nam để trộm những mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem chống nắng… của một thương hiệu lớn trong các cửa hàng ở địa phương.
Sau đó, nam sinh đứng đầu sẽ tiếp nhận số hàng và trả thù lao cho các thành viên. Người này thuê du học sinh đưa số hàng trên về Việt Nam và trả công bằng vé máy bay.
Đầu năm 2016, báo Ashahi đưa tin 2 sinh viên người Việt kiếm được khá nhiều tiền nhờ đi làm thêm hàng tháng nhưng lại bị bắt vì ăn trộm dê thí nghiệm để giết thịt tại một công viên thuộc tỉnh Gifu ở Nhật.
Trong bài báo khác gần đây, một nghiên cứu sinh người Việt sang Nhật theo diện học bổng 3 năm cho biết ở Nhật, giá cả hàng hóa rất đắt đỏ, đôi giày có giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nên những người như anh không thể có tiền mua và phải lấy cắp.
Cách đây không lâu, một số diễn đàn chia sẻ bản thông báo của Văn phòng Trường Nhật ngữ, Viện Nghiên cứu Tokyo gửi đến học sinh Việt Nam về việc trộm cắp vặt.
Bức ảnh chụp thông báo này được thành viên đăng tải nhận được nhiều ý kiến bình luận. Đa số đều cảm thấy buồn và xấu hổ về việc ăn cắp của một số du học sinh ở nước ngoài.
Đừng hủy hoại tương lai vì hành động sai trái
Thực tế, rất nhiều vụ việc du học sinh ăn cắp ở nước ngoài bị bắt giữ, phạt tiền và thậm chí bị trục xuất ngay lập tức.
Đoàn Thu Thủy, du học sinh sống tại Fukuyama, Nhật Bản, cho hay các siêu thị ở đây không bắt gửi túi xách, nhiều người lợi dụng điều này để lấy đồ. Nữ sinh cảm thấy xấu hổ khi cô bạn cùng lớp mình sau nhiều lần ăn cắp đồ vặt, mới đây bị bắt vì trộm thịt lợn trong siêu thị để nấu ăn cho bạn trai.
Thủy kể khi bị bắt và khám người, cô bạn này có khoảng 80 nghìn yên (khoảng 15 triệu đồng), nhưng không mua mà vẫn ăn cắp gói thịt giá trị khoảng 50 nghìn đồng.
Nữ sinh này bị đình chỉ học và trục xuất về nước sau 6 tháng sang Nhật. Không những mang tiếng xấu, 9X còn phải trả món nợ lớn mà cha mẹ vay mượn cho con gái du học.
Theo Thủy, chi phí tốn kém nhất ở Nhật là nhà ở và đi lại. Đồ ăn, thức uống hay đồ dùng sinh hoạt không quá đắt đỏ, có thể lo liệu được.
“Nếu biết chi tiêu hợp lý với số tiền đi làm thêm của du học sinh – theo đúng quy định của luật pháp Nhật là 28 tiếng/tuần – hoàn toàn đủ sống chứ không thể đến nỗi cùng cực”, Thu Thủy khẳng định.
Hoàng Lâm, giám đốc kinh doanh một công ty du học Nhật Bản ở Hà Nội, cho hay anh biết nhiều chuyện đang tiếc khi du học sinh việt nam bị trục xuất, phạt tiền chỉ vì lấy đồ và gây gổ ở trường học.
Theo giám đốc này, người Nhật luôn tôn trọng văn hóa hướng đến cộng đồng. Bất kỳ hành vi phạm tội nào, trong đó có ăn cắp, được coi như tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng. Những du học sinh bị trục xuất, dẫn độ về nước sẽ không còn cơ hội quay lại Nhật trong tương lai.
Theo Hoàng Lâm, việc xét duyệt hồ sơ của du học sinh Việt sang Nhật du học đang được thắt chặt. Vì thế có cơ sở để lo ngại rằng nếu không có sự ngăn chặn hay ít nhất giảm thiểu tình trạng trộm cắp, những người muốn du học Nhật sẽ bị ảnh hưởng.
Từng trả lời báo chí về vấn đề du học sinh Việt Nam trộm cắp vặt ở nước ngoài, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Đại học Sư phạm TP.HCM – nêu quan điểm có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này.
Đó có thể là sự chủ quan quá mức khi nghĩ qua mặt được kiểu giám sát và quản lý bán hàng ở nước ngoài; quá vô tư trước việc nghiêm túc của những quy định và cả sự nghiêm minh của pháp luật nước ngoài; hay sự cảm tính xót xa khi để lòng tham lên tiếng…
Ngoài ra, ở góc độ khác, có thể nói, chính thói xấu của cá nhân nổi lên sự tham lam, sự thể hiện mình hợm hĩnh, sự thiếu kiểm soát dẫn đến những hành vi tệ hại như trên.
PGS nhận định vấn đề này cần được quan tâm. Đầu tiên là nghĩ đến hậu quả của hành vi. Trên cơ sở đó, hàng loạt giải pháp cần được thực hiện như giáo dục nhận thức của cá nhân, đặc biệt là học sinh về hình ảnh cá nhân và hình ảnh dân tộc.
Tiếp đến, những giải pháp sâu sắc hơn về học đường để giáo dục và hình thành tính cách con người cần được phát huy. Song song đó, gia đình cũng cần nhận diện và giáo dục tốt hơn nữa về hành vi ứng xử trong cuộc sống của con em mình.
Theo tapchihaingoai