» NHẬT KÝ DU HỌC NHẬT BẢN P4

Stress ngôn ngữ phủ đầu

Tôi gặp khó khăn với ngôn ngữ. Mặc dù tôi đã học tiếng Nhật 2.5 năm trước khi tới Nhật, nhưng nói chuyện với người Nhật tôi chỉ hiểu bập bõm. Nhất là khi 2 người Nhật nói chuyện với nhau và tôi nghe lỏm, tôi cảm giác như đang nghe chim hót, du dương lắm.
Khi nói chuyện với mấy đứa Nhật tôi quen, tôi chẳng bao giờ thoải mái vì có cảm giác mình làm gánh nặng của bọn nó, vì bọn nó cứ phải mãi kiên nhẫn giải thích cho tôi. Với hầu hết những người Nhật tôi quen, quan hệ dừng lại ở mức gặp nhau ở hành lang thì chào 1 câu rồi đi thôi.Tôi tham gia vào câu lạc bộ nhạc cụ thổi của trường, nhưng cũng chẳng tìm được bạn. Họ nói chuyện với nhau, vừa nhanh vừa dùng từ tôi chưa học, lại nói về những bộ phim hoạt hình họ đã xem hồi cấp 1 thì tôi hiểu sao được, nói gì là tham gia câu chuyện. Tôi thường ngồi từ đầu đến cuối, trơ trơ ở đó, không nói được 1 câu nào. Tôi cảm giác mình thật thừa thãi, trơ trọi, bất lực, cay đắng và ức chế.Nhưng tôi còn sướng hơn người khác là bập bẹ được mấy câu, còn đi ngân hàng làm thủ tục, đi lạc thì còn hỏi đường được. Mấy anh sang làm Thạc sỹ Tiến sỹ bằng tiếng Anh đều đồng ý rằng phải biết tiếng Nhật thì mới sống vui được. Chỉ biết tiếng Anh thì chỉ “sống” được mà không “vui” được.

Hôm lên Tokyo chơi ngủ nhờ nhà anh N., anh tâm sự anh hàng ngày sống như địa ngục, sáng lên trường làm việc tối về nhà ngủ. Anh chỉ muốn mau chóng lấy được bằng rồi về Việt Nam được ngày nào sớm ngày đấy. Còn anh P., anh muốn đón mẹ sang chơi, nhưng mà mẹ không biết tiếng “sang đây khác gì đi tù” (nguyên văn).

Vượt qua stress

Tôi stress. Có lúc tôi cảm thấy hơi ghét những bạn Nhật kia một chút. Họ tỉnh bơ nói chuyện với nhau trong sự có mặt của tôi. Họ nhìn về phía tôi và nói gì đó với nhau mà tôi không hiểu, còn cười nữa. Tôi ức chế lắm.

Nhưng mà tôi cứ đi chơi với họ. Có hội uống rượu, tôi tham gia – chỉ để uống rượu, vì tôi chẳng nói được lời nào mà. Câu lạc bộ tổ chức đi chơi, mỗi người đóng 150USD, tôi đi, đi ngắm cảnh thăm thú.

Tôi giả bộ ngố, thỉnh thoảng pha trò bằng điệu bộ hoặc những câu tiếng Nhật sai – điều mà trước đây tôi không bao giờ làm và nghĩ là mình sẽ không bao giờ làm. Nhưng hình như nhờ đó mà tôi được mọi người quý. Pha trò bằng cách giả ngố là cách duy nhất để được mọi người để ý – khi tôi không thể nói những câu hài hước tinh tế sâu xa bằng tiếng Nhật.Việc chăm đi chơi và cố gắng tham gia đủ thứ hoạt động cùng với thanh niên Nhật đã giúp tôi dần vượt qua stress.

Sau 1 năm chăm đi chơi với người Nhật, tôi bắt đầu nghe và hiểu những gì thanh niên Nhật nói với nhau. Thực ra họ cũng chỉ lặp lại mấy mẫu câu đơn giản – thường là những mẫu câu “mốt” phổ biến qua TV, truyền miệng… Như kiểu “ngố vãi lúa”, “hay vãi lúa” từng nổi một thời ở Việt Nam, hay “bỗng dưng muốn ấy”, “bỗng dưng muốn hát”… bây giờ. Dĩ nhiên những mẫu câu này tôi chưa bao giờ được học trong sách vở.

Tôi nghĩ rằng, với người thường phải mất ít nhất 1 năm mới có thể nói chuyện bình thường với thanh niên bản xứ được. Trong thời gian này, bạn sẽ rất ức chế, cảm thấy rất bất lực, nhưng hãy cố gắng vượt qua nhé. Vì ai cũng trải qua giai đoạn này mà.

Nhật kí du học Nhật Bản phần 1

Nhật kí du học Nhật Bản phần 2

Nhật kí du học Nhật Bản phần 3

Theo nguồn: Du học Nhật Bản